Viêm da cơ địa - Bác sĩ chỉ cách dùng thuốc an toàn
Hiện tại, thời tiết nước ta đang trong thời kỳ giao mùa từ nắng nóng sang mưa ẩm. Đây là yếu tố thuận lợi cho các bệnh dị ứng phát triển, trong đó có viêm da cơ địa.
1. Vì sao bị viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa (tên tiếng anh là Atopic Dermatitis/AD, thường được gọi là eczema) là bệnh mạn tính tiến triển từng đợt, thường bắt đầu ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và giảm đáng kể ở tuổi trưởng thành. Tại Mỹ, đây là loại bệnh chàm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 9,6 triệu trẻ em và khoảng 16,5 triệu người lớn.
Ở Việt Nam, theo ước tính của Bệnh viện Da liễu TP.HCM vào năm 2014, tần số mắc viêm da cơ địa chiếm tới 34% tổng số bệnh nhân. Tần suất này đã tăng 2-3 lần trong ba thập kỷ qua và có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa là kết quả của sự tương tác nhiều yếu tố, bao gồm:
- Môi trường đóng vai trò khởi phát, có thể kể đến như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, bụi nhà, thức ăn, vi khuẩn, siêu vi…
- Di truyền: Bệnh viêm da cơ địa hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác do gen nào đảm nhiệm, bệnh thường kết hợp với các dị ứng khác để tạo thành bộ ba: Hen, viêm mũi dị ứng và viêm da cơ địa.
- Rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da làm cho da dễ bị tấn công bởi các tác nhân dị ứng hoặc không dị ứng.
3. Triệu chứng thường gặp của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa thường bắt đầu trước 5 tuổi và có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Bệnh thường tái phát theo chu kỳ và có các biểu hiện khác nhau tuỳ theo lứa tuổi.
Trường hợp nhẹ: Có các vùng da khô, ngứa nhưng không thường xuyên (có hoặc không có các nốt mẩn đỏ nhỏ), ít ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, giấc ngủ và tâm lý xã hội.
- Trường hợp trung bình: Có các vùng da khô, ngứa thường xuyên, mẩn đỏ (có hoặc không có các mụn nước tiết dịch kèm dày da cục bộ), gây ra tác động vừa phải đến các hoạt động hàng ngày và tâm lý xã hội, giấc ngủ thường xuyên bị xáo trộn.
- Trường hợp nặng: Có các vùng da khô trên diện rộng, ngứa không ngừng, mẩn đỏ (có hoặc không có dày da trên diện rộng, chảy máu, rỉ nước, nứt nẻ và thay đổi màu sắc), ảnh hưởng nghiêm trọng các hoạt động hàng ngày và tâm lý xã hội, mất ngủ hàng đêm.
viêm da cơ địa thường gây ngứa, mẩn đỏ
4. Điều trị viêm da cơ địa
Nguyên tắc điều trị cơ bản của viêm da cơ địa bao gồm: Dùng thuốc dưỡng da kết hợp chống nhiễm trùng và viêm da.
Điều trị không dùng thuốc
Điều trị không dùng thuốc nhằm chăm sóc da tối ưu và giải quyết thương tổn của hàng rào bảo vệ da.
- Khi bị dị ứng, da thiếu lipid tại lớp sừng (đặc biệt là ceramide) và "yếu tố giữ ẩm tự nhiên" (các axit amin hút ẩm), do vậy cần dùng thuốc dưỡng da để duy trì độ ẩm. Dưỡng ẩm cho da ít nhất hai lần một ngày bằng các sản phẩm phù hợp với cơ địa của bệnh nhân. Các loại kem đặc có hàm lượng nước thấp (như thuốc mỡ) thường được sử dụng nhiều hơn, vì chúng bảo vệ tốt hơn cho da sần.
- Hạn chế tiếp các tác nhân dị ứng như lông thú xà phòng, bụi chất tẩy rửa, bụi, phấn hoa… vì nó có thể làm khởi phát và trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
- Tắm nước ấm, không quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ < 36°C. Nếu dùng xà phòng thì chọn loại ít kích ứng (ít kiềm). Dùng thuốc dưỡng ẩm ngay sau khi lau khô người.
- Người bệnh tránh chà xát da, không gãi khi ngứa.
Điều trị viêm da cơ địa bằng thuốc
Điều trị viêm da cơ địa bằng thuốc giúp giải quyết triệu chứng và dự phòng tái phát bệnh.
- Thuốc điều hoà miễn dịch tại chỗ (thuốc bôi) là các chất có tác dụng điều chỉnh (kích thích hoặc ức chế) đáp ứng miễn dịch cục bộ của da, từ đó làm giảm viêm và ngứa da. Thuốc điều trị viêm da cơ địa được chia thành hai loại chính gồm: Steroid và không steroid.
+ Steroid được dùng nhiều nhất trong điều trị viêm da cơ địa. Loại có hoạt tính yếu (như desonide 0,05%; hydrocortisone 2,5% dạng thuốc mỡ) dùng cho trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân mức độ nhẹ. Steroid bôi tại chỗ nên được dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, trong vòng hai đến bốn tuần. Vì vậy, nên sử dụng kèm theo thuốc dưỡng ẩm (trước hay sau steroid đều được) nhiều lần trong ngày.
Đối với bệnh nhân viêm da cơ địa mức độ trung bình, nên dùng steroid có hoạt tính mạnh hơn (ví dụ, fluocinolone 0,025%; triamcinolone 0,1%; betamethasone dipropionate 0,05%). Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, cấp tính, có thể sử dụng steroid hoạt tính rất mạnh trong tối đa hai tuần. Sau đó thay dần bằng loại có hoạt tính yếu hơn cho đến khi hết tổn thương. Da mặt và các nếp gấp khuỷu (hoặc đầu gối) là những vùng có nguy cơ cao bị teo da khi dùng steroid . Vì vậy, nên điều trị ban đầu ở những khu vực này bằng steroid hoạt tính yếu, chẳng hạn như thuốc mỡ desonide 0,05%.
+ Thuốc ức chế calcineutrine tại chỗ (Topical calcineurin inhibitors - TCI) là chất điều hòa miễn dịch không steroid, được sử dụng nhiều thứ hai. Thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus là hai loại khá phổ biến, được dùng 2 lần một ngày.
Tacrolimus có hàm lượng 0,1% thích hợp cho người lớn (> 15 tuổi), còn loại chứa 0,03% dùng cho trẻ em hoặc người lớn không dung nạp với loại 0,1%. Ở những bệnh nhân không dung nạp tacrolimus vì bỏng hoặc dị cảm, pimecrolimus được dùng để thay thế. Cả tacrolimus và pimecrolimus đều chống chỉ định với trẻ em < 2 tuổi.
Ngoài ra, crisaborole cũng có tác dụng tương tự. Thuốc này được Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Hoa kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị viêm da cơ địa mức độ nhẹ đến trung bình ở người lớn và trẻ em từ ba tháng tuổi trở lên.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại thuốc uống toàn thân khác như kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, kháng histamin
H1 để giảm ngứa. Có thể dùng quang trị liệu như UVA, UVB cho bệnh nhân mức độ trung bình đến nặng.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị viêm da cơ địa
Việc dùng thuốc được ví như "con dao hai lưỡi". Do đó, sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa cũng cần thận trọng.
Thuốc steroid rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài như teo da, giãn mạch, nổi mụn, rạn da... Do vậy, cần có chỉ định chặt chẽ, không tự ý sử dụng cũng như tăng liều. Dừng thuốc ngay khi tổn thương đã lành.
- Thuốc ức chế calcineutrine tại chỗ (TCI) là lựa chọn thay thế cho steroid trong những trường hợp sau: Viêm da cơ địa kháng điều trị với steroid, tổn thương ở những vùng da nhạy cảm (mặt, hậu môn sinh dục, nếp gấp), bệnh nhân có tiền sử bôi steroid lâu dài liên tục hoặc đã có những tác dụng phụ như teo da. TCI có tác dụng giảm viêm tốt khi bôi ngày 2 lần. Bên cạnh đó, thuốc được ưu tiên sử dụng ở giai đoạn bệnh ổn định với lời khuyên dùng 2-3 lần trong 1 tuần để phòng tái phát.
- Chỉ sử dụng thuốc được kê đơn từ bác sĩ./
SỨC KHOẺ VÀ ĐỜI SỐNG