Những điều cần biết về AY.4.2, biến thể COVID-19 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn Delta
AY.4.2 - biến thể mới nhất của COVID-19, hiện đang được giới chuyên gia Anh theo dõi sát sao. Biến thể phụ của Delta này được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh hơn cả Delta (biến thể chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay) và làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine.
Thế nào là một biến thể COVID-19?
Virus thường xuyên đột biến, và virus corona gây bệnh COVID-19 cũng không ngoại lệ. Nó ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với khả năng lây nhiễm nhanh hơn rất nhiều. Như biến thể Alpha (phát hiện tại Anh) đã từng lây lan mạnh cho thế giới, cho đến khi Delta từ Ấn Độ xuất hiện và trở thành chủng ưu thế.
Hiện nay, Delta vẫn là biến thể phổ biến nhất. Tuy nhiên cách đây 1 tuần, Cơ quan Y tế Anh Quốc đã có báo cáo về "một biến thể phụ của Delta" có tên AY.4.2 có khả năng sẽ lây lan. Họ đang tiến hành theo dõi biến thể này, và xác định nó có các gai protein đột biến xâm nhập được vào tế bào.
Tại sao cần phải theo dõi AY.4.2?
AY.4.2 hiện đang xuất hiện ở nhiều ca nhiễm mới hơn tại Anh. Thậm chí có ý kiến cho rằng, biến thể này sẽ là là một yếu tố khiến cơn khủng hoảng của ngành y tế Anh trở nên trầm trọng hơn. Một vài bác sĩ đã kêu gọi cần phải sớm áp dụng các biện pháp hạn chế trước khi quá muộn.
"Biến thể phụ này đang xuất hiện nhiều hơn, và đã chiếm tới 6% ca nhiễm. Ước tính này cũng chưa hoàn toàn chính xác, cần đánh giá sâu hơn trong tương lai," - trích thông báo của Cơ quan An ninh Y tế Anh.
AY.4.2 có thể lây nhiễm mạnh hơn 10 - 15% so với Delta, nhưng chưa phải chủng ưu thế ở Anh.
Nước Anh hiện tại đang chứng kiến xu hướng đáng lo ngại khi các ca nhiễm mới ngày càng nhiều hơn, lên tới 40.000 - 50.000 ca mỗi ngày trong tuần qua.
Các báo cáo sơ bộ cho thấy, AY.4.2 có thể lây nhiễm mạnh hơn 10 - 15% so với Delta, nhưng hiện vẫn còn là quá sớm để nói rằng nó sẽ trở thành chủng ưu thế và khiến ca nhiễm gia tăng mạnh hơn ở Anh.
Biến thể mới nguy hiểm đến thế nào?
Cần nhớ rằng dù AY.4.2 đang được theo dõi, nó vẫn chưa được xếp vào hạng "biến thể được điều tra" hoặc "biến thể gây lo ngại" bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Có nghĩa, nó vẫn chưa được xác định có sở hữu gene đột biến gây ảnh hưởng đến đặc điểm của virus - như làm tăng khả năng lây nhiễm, tăng mạnh triệu chứng bệnh, hoặc né tránh được khả năng miễn dịch từ vaccine.
Hiện cũng chưa có bất kỳ số liệu nào xác nhận nó sẽ làm tăng khả năng lây lan, hoặc làm xuất hiện nhiều hơn các cụm lây nhiễm mới. Dẫu vậy, tình trạng này có thể thay đổi nếu như ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm liên quan đến AY.4.2.
Việc tìm ra một biến thể lây nhiễm mạnh hơn là điều rất quan trọng, vì nó có thể khiến số ca mắc bệnh tăng mạnh trong cộng đồng chưa tiêm chủng.
Ở thời điểm hiện tại, phần lớn dân số thế giới vẫn chưa được tiêm chủng (mới chỉ 2,8% dân số tại các nước có thu nhập thấp được tiêm 1 mũi vaccine). Ngoài ra, các nước phát triển đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng ngay cả ở cộng đồng đã tiêm chủng, ở thời điểm 6 tháng sau khi tiêm mũi 2.
Một biến thể lây nhiễm mạnh có thể khiến hiệu quả của vaccine tụt xuống sâu hơn, dù chưa có bằng chứng nào khẳng định AY.4.2 là một biến thể như vậy.
Các chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia y tế cho biết cần phải giữ bình tĩnh với biến thể mới. Dĩ nhiên là phải theo dõi, nhưng chưa đến mức phải hoảng sợ.
Giám đốc CDC Hoa Kỳ Rochelle Walensky phát biểu, dù có xác định được một số ca nhiễm liên quan đến AY.4.2, nhưng cho tới thời điểm hiện tại thì không liên quan đến các ổ dịch mới.
Israel cũng đã xác nhận ca nhiễm AY.4.2 đầu tiên - là một bé trai 11 tuổi nhập cảnh tại sân bay Ben Gurion. Hôm 21/10, Nga cũng tìm thấy một ca nhiễm AY.4.2. Hiện chưa rõ biến thể này có tồn tại ở các nước khác tại châu Âu hay không.
Chính phủ Anh có vẻ rất chần chừ trong việc tái ban hành các quy định hạn chế, bất chấp việc giới chuyên gia y tế Anh kêu gọi thực hiện điều đó khi mùa đông đang đến gần.
Tuy nhiên theo Andrew Pollard, giám đốc Hội đồng Vaccine Oxford, nơi phát triển vaccine AstraZeneca, thì biến chủng mới khó lòng làm thay đổi bức tranh toàn cảnh của dịch bệnh.
"Dù biến thể mới khiến chúng ta phải theo dõi, nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo nó sẽ thay thế Delta cả," - Pollard nhận định. "Mà ngay cả khi nó chiếm ưu thế, thì bản thân Delta cũng đang là biến chủng lây nhiễm cực tốt rồi. Một biến thể lây nhiễm mạnh hơn đôi chút sẽ không làm thay đổi bức tranh toàn cảnh của dịch bệnh."
Giáo sư miễn dịch học từ ĐH Imperial College - Danny Altmann thì tỏ ra lo ngại hơn: "Biến thể mới cần được theo dõi và kiểm soát cẩn thận."
"Delta hiện là biến thể chiếm ưu thế ở nhiều khu vực trong vòng 6 tháng qua, và đã không có bất kỳ biến thể nào thay thế được nó. Bởi vậy mà xuất hiện hy vọng rằng Delta chính là biến thể đỉnh nhất của virus corona. AY.4.2 đã khiến nhận định này lung lay."
SỨC KHOẺ ĐỜI SỐNG