Cảnh báo của chuyên gia: Đừng chủ quan với chấn thương khớp gối
Sau cú ngã do va chạm tại sân bóng, nam thanh niên 38 tuổi ở Hà Nội nghĩ mình chỉ bị đau nhẹ như những lần trước đó và "vài ngày là khỏi". Tuy nhiên, qua thăm khám các chuyên gia cho hay, anh đã bị chấn thương gối phải, đứt dây chằng chéo trước cần phải phẫu thuật để nối lại...
Sau cú ngã trên sân bóng, nam thanh niên chấn thương gối phải, đứt dây chẳng chéo trước
Nam bệnh nhân Nguyễn Quang Kha, 38 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội bị chấn thương khớp gối khi đá bóng đang làm thủ tục để phẫu thuật chấn thương khớp gối tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với chúng tôi cho biết, vốn ham thích bóng đá nên anh chọn môn thể thao này để rèn luyện sức khoẻ hai buổi/tuần.
Anh đã từng bị ngã do chơi bóng, tuy nhiên những lần ngã đó “chỉ vài ngày là khỏi”, nhưng cú ngã do va chạm với đồng đội cách đây 2 tuần đã khiến anh Kha rất đau vùng khớp gối, cơn đau tăng lên. 3 ngày sau ngã, anh đến Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống thăm khám, qua thăm khám và kết quả chụp phim cho thấy anh Kha bị chấn thương gối phải, đứt dây chằng chéo trước cần phải phẫu thuật để nối lại.
Các chuyên gia thăm khám cho bệnh nhân bị tổn thương khớp gối
“May mắn cho bệnh nhân đúng dịp GS Cucurulo Thomas đến từ bệnh viện Saint-Joseph, Cộng hòa Pháp - chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật nội soi dây chằng khớp gối và y học thể thao đang có chương trình làm việc và trao đổi chuyên môn cho các bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, nên bệnh nhân Đạt đã được Giáo sư trực tiếp thăm khám lại và phẫu thuật khâu tổn thương dây chằng khớp gối bằng kỹ thuật một đường hầm trong tái tạo dây chằng chéo trước”- PGS.TS Đào Xuân Thành- Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống cho biết.
Một trường hợp khác là nam thanh niên Tạ Quang Đạt (16 tuổi) đã bị chấn thương vùng khớp gối đau nhức và không thể tự đi lại được sau cú va chạm do tai nạn giao thông. Gia đình vội đưa Đạt đến Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
Tại đây, qua thăm khám và từ kết quả phim chụp tổn thương, các bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống cho biết bệnh nhân bị tổn thương đa dây chằng khớp gối, đứt dây chằng chéo trước, chéo sau và đứt mất vững góc sau ngoài khớp gối.
Bệnh nhân Đạt cũng đã được GS.Cucurulo Thomas cùng ê kíp các thầy thuốc của Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống phẫu thuật nối các vết đứt của gân bằng kỹ thuật một đường hầm trong tái tạo dây chằng chéo trước.
Các chuyên gia đến từ bệnh viện Saint-Joseph chia sẻ về quan điểm mới trong phẫu tái tạo dây chằng chéo trước trong tổn thương khớp gối
Quan điểm mới về phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước trong tổn thương khớp gối
Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo “Nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, quan điểm mới trong phẫu thuật, phục hồi chức năng” do Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống tổ chức, PGS.TS Đào Xuân Thành cho hay, quan bài giảng của các giáo sư đến từ bệnh viện Saint-Joseph đưa ra thông tin, nếu như trong giai đoạn từ năm 1991-2000, quan điểm tái tạo dây chằng chéo trước trong tổn thương khớp gối bằng kỹ thuật hai đường hầm thì hiện nay bên Pháp không dùng phương pháp này vì kết quả trên thực tế lâm sàng của kỹ thuật này cũng không khác kỹ thuật một đường hầm trong tái tạo dây chằng chéo trước mà gây tốn kém cho người bệnh và một số biến chứng khác.
Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Thành, hiện nay chấn thương trong thể thao ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với vận động viên nghiệp dư chơi đá bóng, tennis… họ không được huấn luyện hoặc tập những bài tập cần tránh trong chấn thương do chơi thể thao. Chính vì vậy mỗi lần chấn thương họ thường không để ý đến vùng chấn thương hoặc nhiều bệnh nhân sau chấn thương thể thao, chấn thương nhẹ do tai nạn giao thông thấy đau khớp gối, có thể đi khám, tuy nhiên những bệnh nhân này thường chỉ chụp XQ thông thường nên khó có thể phát hiện được tổn thương dây chằng, gân vân sụn trên. Hoặc cũng có thể trong lúc mới đau như vậy, khi khám những dấu hiệu về mất vững nếu không phải là bác sĩ chuyên khoa thì không phát hiện được
Chính vì vậy, sau một thời gian bệnh nhân đỡ đau rồi hết đau, thì họ lại tiếp tục vận động, chơi thể thao như cũ mà không có biện pháp chú ý bảo vệ khớp, dẫn tới khớp gối bị hỏng rất nhanh.
“Như trường hợp của bệnh nhân Kha, cả các giáo sư đến từ Pháp và chúng tôi đều nhận định có thể bệnh nhân đã bị đứt 1 bó gân từ trước. Sau đó đến lần ngã cách đây 2 tuần khi đá bóng, bệnh nhân bị ngã thì đứt nốt các phần còn lại, dẫn đến các tổn thương đứt hoàn toàn. Tình trạng này cảnh báo sự chủ quan của không riêng bệnh nhân Kha mà còn là của nhiều bệnh nhân khác mà chúng tôi thường xuyên tiếp nhận thăm khám điều trị thời gian qua”- PGS.TS Đào Xuân Thành dẫn chứng
Theo TS Đào Xuân Thành, thường sau một chấn thương mạnh liên quan đến trẹo gối, bệnh nhân sẽ bị đau, khiến bệnh nhân hạn chế vận động khớp gối, hoặc có thể bị tràn dịch khớp gối. Sau đó một vài tuần đi lại thì bệnh nhân có thể cảm thấy lỏng khớp gối, không trụ được chân đó, đặc biệt là cảm giác bước lên bước xuống của bệnh nhân không tự tin.
Chuyên gia đến từ Pháp và các phẫu thuật viên của Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống thực hiện phẫu thuật chấn thương khớp gối cho bệnh nhân. Ảnh: BS Anh Dũng
Thực tế cho thấy, hiện nay bệnh nhân trẻ bị chấn thương thể thao nhiều, do đó chúng tôi cho rằng mỗi người khi lựa chọn môn thể thao nào để rèn luyện sức khỏe thì cần tìm hiểu kỹ về môn thể thao đó. Đồng thời, nên qua các lớp đào tạo, hướng dẫn các bài tập tránh những động tác đột ngột chuyển hướng không chỉ gây tổn thương dây chằng khớp gối, sụ khớp mà còn có thể gây ra các tổn thương khác về khớp bàn chân, khớp vai…
“Thông thường sau một chấn thương dù là chơi thể thao hay bị tai nạn giao thông nhẹ nếu thấy khớp gối đau, hoặc sưng thì người bệnh nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình để được phát hiện tổn thương sớm”- PGS.TS Đào Xuân Thành khuyến cáo
Từ ngày 28/10 -30/10/2019, Khoa Chấn Thương chỉnh hình và Cột sống - Bệnh viện Bạch Mai sẽ tổ chức khám sàng lọc và tư vấn miễn phí cho các bệnh nhân có bệnh lý khớp gối.
Chương trình có sự tham gia tư vấn của GS. Cucurulo Thomas đến từ bệnh viện Saint-Joseph, Cộng hòa Pháp. Ông là chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật nội soi dây chằng khớp gối và y học thể thao.
Các dấu hiệu nhận biết về bệnh lý khớp gối nên đến khám:
- Đau mỏi, cứng kẹt khớp gối, khó khăn khi di chuyển.
- Không thể xoay chân vào trong hay ra ngoài, xoay hông hoặc cúi người.
- Bị sưng hoặc đau khớp sau khi ngủ dậy hoặc ngồi lâu một chỗ bị cứng khớp, hạn chế vận động.
- Đau vùng khớp gối khi đi lại có thể nghe thấy tiếng lạo xạo phát ra từ trong khớp gối.
- Đi lại thấy lỏng khớp, không tự tin, phải dùng thêm gậy chống hoặc tay vịn khi lên xuống cầu thang.
- Tràn dịch khớp tái diễn làm vùng khớp bị tổn thương sưng to…